Tình hình Kinh tế – Xã hội tỉnh Đồng Nai tháng 02 năm 2023

​Bước sang tháng 02, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Quý Mão 2023, sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động trở lại bình thường; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động đều thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm, đẩy mạnh sản xuất ngay trong những ngày đầu năm mới với mong muốn hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 đã đề ra. Tuy nhiêntình hình sản xuất kinh doanh nói chung đang gặp không ít khó khăn như những tháng cuối năm 2022 vừa qua và đến nay vẫn chưa có sự cải thiện, vì vậy ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Kết quả thực hiện kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tháng 02 năm 2023 của các ngành, lĩnh vực như sau:

  1. KINH TẾ
  2. Sản xuất công nghiệp

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc, tình hình sản xuất công nghiệp cơ bản hoạt động trở lại trạng thái bình thường, lao động nghỉ về quê ăn Tết sau Tết hầu hết đã quay lại làm việc. Tuy nhiên tình hình sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp những tháng đầu năm 2023 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng tình hình thế giới như lạm phát, chiến tranh từ đó tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp giảm mạnh chưa được cải thiện,, nhiều doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ ngày thứ Bảy, bố trí công nhân làm việc luân phiên trong tuần; sắp xếp cho công nhân nghỉ để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp v.v… đặc biệt là các ngành Dệt, may, Da giày, Điện tử, Sản xuất đồ gỗ v.v…

Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 02/2023 tăng 10,06% so tháng trước và tăng 14,08% so cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng tăng 5,54%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,14%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 11,59%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 1,36% so tháng trước… trong tháng 02 có 27/27 ngành sản xuất đều tăng so tháng trước là do tháng 01/2023 trùng vào tháng Tết nên các doanh nghiệp nghỉ Tết 7-10 ngày, nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của thị trường thế giới nên đơn hàng sản xuất ít, một số doanh nghiệp cho công nhân nghỉ Tết sớm và nghỉ với thời gian dài. So với tháng 02/2022 tăng cao (+14,08%) do tháng 02/2022 trùng vào Tết Nguyên đán, trong khi tháng 02 năm nay là tháng sau Tết.

Lũy kế 02 tháng đầu năm 2023 chỉ số sản xuất công nghiệp là 98,15%, giảm 1,85% so cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng giảm 0,27%; công nghiệp chế biến chế tạo giảm 1,86%, sản xuất và phân phối điện giảm 2,79%; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,65% so cùng kỳ. Lũy kế 02 tháng đầu năm có 17/27 ngành sản xuất giảm, nguyên nhân giảm là do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, hợp đồng mới giảm mạnh; trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo là ngành chiếm tỷ trọng chủ yếu giảm 1,86%. Một số ngành công nghiệp chủ lực lũy kế 02 tháng giảm đáng kể như: Dệt giảm 2,2%; Giày da giảm 2,75%; Sản phẩm máy tính giảm 15,3%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 26,65%.

Từ chỉ số sản xuất trên có thể thấy, tình hình sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh vẫn gặp khó khăn đáng kể, đơn hàng giảm so với những năm trước, chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường xã hội, thế giới tăng trưởng thấp nhất là các ngành sản xuất chủ lực như, dệt, sản xuất da và giầy da, hóa chất, sản phẩm điện tử, giường, tủ, bàn ghế v.v…

– Chỉ số sản phẩm công nghiệp Dự ước tháng 02 năm 2023 tăng so với tháng cùng kỳ năm trước như: Đá xây dựng các loại 1.434,4 nghìn m3, tăng 14,66%; bột ngọt 24,2 nghìn tấn, tăng 10,84%; nước ngọt các loại 23,9 triệu lít, tăng 16,11%; sợi các loại 87,6 nghìn tấn, tăng 15,14%; vải các loại đạt 51,2 triệu m2, tăng 16,91%, quần áo các loại đạt 25,6 triệu cái, tăng 16,51%, giầy dép các loại đạt 52,2 triệu đôi, tăng 13,6%.., nguyên nhân sản lượng tăng do các doanh nghiệp vẫn duy trì được lượng đơn đặt hàng cũ và tiếp tục sản xuất phục vụ cho thị trường nội địa, mặt khác tháng 02/2022 là tháng Tết nên thời gian sản xuất giảm mạnh.

Lũy kế 02 tháng có 9/24 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so cùng kỳ đó là: cà phê các loại 71,6 nghìn tấn, tăng 3,26%; bột ngọt 47,5 nghìn tấn, tăng 2,92%; vải các loại đạt 98,9 triệu m2, tăng 8,92%, quần áo các loại đạt 48,9 triệu cái, tăng 4,15%; thuốc trừ sâu đạt 1.956,5 tấn, tăng 2,97%. Tuy nhiên cũng có một số sản phẩm giảm do tình hình sản xuất phục hồi chậm, mặt khác do thị trường xã hội tiêu thụ chậm, nên sản lượng sản xuất giảm so tháng cùng kỳ như: Sợi các loại (-3,14%); Sơn các loại (-9,21%); sản phẩm kim loại (-4,01%); mạch điện tử, tủ điện, sản phẩm điện tử khác (-30%); giường tủ, bàn ghế (-29,61%)..nguyên nhân giảm là do hiện nay một số doanh nghiệp vẫn chưa có nhiều đơn đặt hàng mới, mặt khác nếu có thì chỉ là đơn hàng ngắn hạn, vì hiện này khách hàng chưa mạnh dạn ký hợp đồng với số lượng hàng lớn như trước đây.

­2. Sản xuất Nông – Lâm nghiệp và thủy sản

Tình hình sản xuất nông nghiệp những tháng đầu năm cơ bản thuận lợi, trong tháng 02/2023 các ngành, địa phương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc biệt hiện nay thị trường Trung Quốc đã thông quan, các cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu; hoạt động chăn nuôi tiếp tục duy trì tái đàn có chuyển biến tích cực. Kết quả hoạt động các lĩnh vực như sau:

Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân toàn tỉnh là 33.349,5 ha, giảm 0,13% so cùng kỳ. Trong đó: diện tích lúa 11.354,7 ha, giảm 0.32%; bắp 9.130,4 ha, giảm 0,23%; mía 301 ha, giảm 3,53%; đậu phộng 375 ha, giảm 1,57%; rau các loại 5.341,3 ha, tăng 1,43%; đậu các loại 1.217,9 ha, giảm 2,33%… so cùng kỳ. Diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân giảm do một số diện tích thu hoạch vụ Mùa chậm nên người dân chưa chuẩn bị các khâu làm đất để xuống giống, hơn nữa hiện nay hầu hết diện tích gieo trồng có xu hướng giảm dần do công tác qui hoạch, xây dựng v.v…

Chăn nuôi: Tổng đàn gia súc có đến thời điểm tháng 02/2023 là 2.157.770 con, tăng 24.364 con (+1,14%) so cùng kỳ. Trong đó: Trâu đạt 3.835 con (-0,75%); Bò đạt 87.807 con (-0,06%); Số lượng đàn trâu, bò giảm do giá trâu hơi, bò hơi có xu hướng giảm mạnh, chỉ còn 50.000-60.000 đồng/kg, đồng cỏ chăn nuôi ngày càng thu hẹp, bên cạnh đó tình trạng nhập lậu trâu, bò từ Campuchia, Lào về Việt Nam còn tái diễn nên tồn đọng, khó tiêu thụ;  Đàn heo đạt 2.066,13 nghìn con (không tính heo con chưa tách mẹ), tăng 24,44 nghìn con (+1,2%) so cùng kỳ. Nguyên nhân tăng là do hầu hết các đơn vị chăn nuôi sau khi xuất chuồng với số lượng lớn phục vụ cho dịp Tết là thực hiện công tác tái đàn để phát triển sản xuất. Giá heo hơi trên địa bàn Đồng Nai đến ngày 17/02/2023 dao động trong khoảng từ 50.000 đến 53.000 đồng/kg, với tình hình giá tiêu thụ như trên thì hoạt động chăn nuôi cơ bản ổn định, có phát triển.

Dự ước sản lượng thịt gia súc 02 tháng đạt 78.017 tấn, tăng 4,06% so cùng kỳ. Trong đó: thịt trâu đạt 44,45 tấn, tăng 3,2%; thịt bò đạt 821 tấn, tăng 1,3%; thịt heo đạt 77.151,5 tấn, tăng 4,09% so với cùng kỳ.

Tổng đàn gia cầm là 25.704,93 nghìn con, tăng 3,72% so cùng kỳ, trong đó gà đạt 23.404,97 nghìn con, tăng 4,1%. Sản lượng thịt gia cầm ước đạt 32.855 tấn, tăng 6,94%, trong đó sản lượng thịt gà ước đạt 29.751,18 tấn, tăng 7,17% so cùng kỳ.

b) Lâm nghiệp

Tháng 02 thời tiết vẫn đang là mùa khô nên các đơn vị lâm nghiệp chưa triển khai công tác trồng rừng. Các đơn vị lâm nghiệp và các hộ gia đình chủ yếu thời điểm này gieo ươm cây giống lâm nghiệp để chuẩn bị cho công tác trồng rừng khi mùa mưa tới.

Trong tháng 02/2023 sản lượng khai thác gỗ ước đạt 14.752 m3, tăng 2,54% so với tháng cùng kỳ. Luỹ kế 02 tháng tổng số gỗ khai thác ước đạt được 36.367 m3, tăng 2,87% so với cùng kỳ. Sản lượng củi khai thác trong tháng 02/2023 ước đạt 161 ste, tăng 1,26% so tháng cùng kỳ. Luỹ kế 02 tháng ước đạt 365 ste, tăng 2,88% so với cùng kỳ.

c) Thủy sản

Hoạt động nuôi trồng thủy sản luôn được người dân quan tâm, từng bước được cải thiện về phương thức nuôi trồng, công tác phòng chống dịch bệnh tốt, nhất là kiểm soát được nguồn thức ăn, con giống; giá tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên thị trường xã hội ổn định; hộ nuôi trồng thu hoạch bán có lợi nhuận, điều này làm tác động đến sản lượng tăng so cùng kỳ. Dự ước sản lượng thủy sản trong tháng 02/2023 đạt: 5.300,84 tấn, tăng 3,29% so với tháng cùng kỳ; lũy kế 02 tháng đạt 11.420,72 tấn, tăng 3,11% so cùng kỳ. Trong đó: Sản lượng cá đạt 9.173,26 tấn, tăng 3,2%; Sản lượng tôm đạt 1.808,81 tấn, tăng 2,93%; Sản lượng thủy sản khác đạt 438,65 tấn, tăng 2,13% so với cùng kỳ.

  1. Thương mại du lịch, giá cả, xuất nhập khẩu và vận tải

Hoạt động thương mại dịch vụ tháng 02/2023 sau Tết Nguyên Đán trở lại bình thường. Giá một số mặt hàng thiết yếu tại các chợ tương đối ổn định có xu hướng giảm so dịp trước tết, sau tết nhu cầu mua sắm tiêu dùng và đi lại của người dân sau Tết giảm, nên hoạt động thương mại dịch vụ và vận tải trong tháng 02 giảm so tháng trước. Tình hình thương mại dịch vụ tháng 02 năm 2023 như sau:

3.1 Thương mại dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 2/2023 ước đạt 21.060,8 tỷ đồng, giảm 9,76% so tháng trước và tăng 19,84% so tháng cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm ước đạt 44.399,07 tỷ đồng, tăng 19,84% so cùng kỳ. Trong đó:

+ Bán lẻ hàng hóa tháng 02 năm 2023 ước đạt 15.225,1 tỷ đồng, giảm 13,2% so với tháng trước, tăng 13,8% so tháng cùng kỳ.  Trong tháng 02 các nhóm hàng hóa đều giảm so tháng trước như: Lương thực, thực phẩm giảm 19,05%; hàng may mặc giảm 29,11%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 17,36%; gỗ và vật liệu xây dựng giảm 6,59%…. các nhóm hàng bán lẻ giảm do sau tết nhu cầu mua sắm giảm. Riêng nhóm vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 0,67% so với tháng trước do tháng 02 học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ tết Nguyên đán, nên nhu cầu về vật phẩm giáo dục tăng làm cho doanh thu tăng so với tháng trước. Tính chung 02 tháng đầu năm bán lẻ hàng hóa ước đạt 32.766,06 tỷ đồng, tăng 17,39% so cùng kỳ và chiếm 73,8%.

+ Doanh thu ngành lưu trú, ăn uống trong tháng 02/2023 ước đạt 2.073,47 tỷ đồng, tăng 1,18% so với tháng trước và tăng 24,48% so với tháng cùng kỳ. Trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 2,54% so với tháng trước; doanh thu dịch vụ ăn uống tăng 1,16% so với tháng trước và tăng 24,06% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 02 tháng đạt 4.122,76 tỷ đồng, tăng 25,37% so cùng kỳ.

+ Du lịch lữ hành tháng 02/2023 ước đạt 5,4 tỷ đồng giảm 7,24% so tháng trước. do tháng 02 các hoạt động kinh tế trở lại bình thường, người dân sau kỳ nghỉ tết đã trở lại làm việc, nên nhu cầu du lịch giảm so với tháng trước, tuy nhiên so với tháng cùng kỳ năm trước doanh thu ngành du lịch tăng cao, do tháng 02 năm 2022 thời điểm dịch Covid-19 mới được kiểm soát nên tâm lý người dân vẫn còn hoang mang, lo sợ nên hạn chế đến nơi đông người, bên cạnh đó các cơ sở kinh doanh du lịch, sau thời gian dài đóng cửa đã tổ chức trở lại nhiều mô hình, sản phẩm du lịch mới như du lịch sinh thái vườn, du lịch khám phá rừng, thác, hồ… phát triển khá mạnh và có chất lượng tốt, đã thu hút người dân đến tham quan, nghỉ dưỡng vào các dịp cuối tuần, nghỉ lễ, tết… Hoạt động du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ chỉ 0,03% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa, nhưng khi hoạt động này được khôi phục và phát triển sẽ góp phần làm tăng doanh thu các ngành hàng thương nghiệp, vận tải, lưu trú, ăn uống và dịch vụ khác.

+ Doanh thu các ngành dịch vụ tháng 02/2023 ước đạt 3.756,8 tỷ đồng, tăng 0,39% so với tháng trước, tăng 23,25% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 02 tháng ước đạt 7.499 tỷ đồng, tăng 28,24% so cùng kỳ. Một số ngành dịch vụ tăng so cùng kỳ như: Dịch vụ kinh doanh bất động sản, tăng 28,6%; hành chính và dịch vụ hỗ trợ, tăng 18,2%; giáo dục, đào tạo, tăng 59,25%, nghệ thuật, vui chơi và giải trí, tăng 29,06%, dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, tăng 19,8%… Nguyên nhân các hoạt động dịch vụ 02 tháng tăng cao so cùng kỳ do 02 tháng năm 2022 đang trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, nên các dịch vụ này hoạt động hạn chế nên doanh thu đạt thấp.

 3.2. Giá cả thị trường

Tháng 02 sau tết Nguyên đán giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu đã giảm so với thời điểm trước tết, tuy nhiên các mặt hàng nhiên liệu xăng, dầu, gas giá bình quân tăng do ảnh hưởng giá xăng dầu thế giới là nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2023 tăng 0,41% so với tháng trước, tăng 1,16% so với tháng 12 năm trước. Bình quân 02 tháng so cùng kỳ tăng 4,28%.

 So với tháng trước, CPI tháng 02/2023 tăng 0,41% (khu vực thành thị tăng 0,66%; khu vực nông thôn tăng 0,18%).

So với cùng tháng năm trước, CPI tháng 02/2023 tăng 4,03%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 09 nhóm tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm văn hoá giải trí và du lịch tăng 13,19%; giáo dục 12,54%.

Chỉ số giá bình quân 02 tháng tăng 4,28% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 02 chỉ số giá giảm là giao thông giảm 0,21%; bưu chính viễn thông giảm 0,1%. Các nhóm hàng còn lại đều có mức tăng, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất (+14,97%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 13,45% do nhu cầu của người dân tăng so cùng kỳ năm trước, thời điểm sau thời gian ảnh hưởng dịch Covid-19 tâm lý người dân người dân vẫn còn hoang mang, lo sợ nên hạn chế đi du lịch và tham gia các hoạt động văn hóa, giáo dục và giải trí nơi đông người.

+ Chỉ số giá vàng trong tháng 02/2023 tăng 0,34% so với tháng trước và tăng 1% so 12 tháng năm trước. Bình quân cùng kỳ giảm 1,06% so với cùng kỳ.

+ Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 02/2023 giảm 0,07% so tháng trước và giảm 3,13% so tháng 12 năm trước. Bình quân cùng kỳ tăng 3,27%.

 3.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Thị trường xuất khẩu 02 tháng đầu năm 2023 còn gặp khó khăn, chưa có khởi sắc do tình hình chiến sự căng thẳng giữa Nga và Ukraina làm cho lạm phát ở nhiều nước Châu Âu tăng cao, hàng hoá tiêu thụ chậm; mặt khác các doanh nghiệp chưa ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu mới. Trước khó khăn đó các doanh nghiệp xuất khẩu bên cạnh việc chú trọng thị trường nội địa, tiếp tục duy trì và đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp khác tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như: Mỹ và Nhật Bản, Hàn Quốc… bên cạnh đó, Trung Quốc đã mở cửa mang lại hy vọng lớn về sự hồi phục nhu cầu không chỉ ở thị trường này mà cả các thị trường khác trên thế giới, khi mà du lịch và giao thương được thông suốt.

Ước kim ngạch xuất khẩu tháng 02 năm 2023 đạt 1.506,47 triệu USD, tăng 8,84% so với tháng trước và giảm 12,45% so tháng cùng kỳ. Tính chung 02 tháng đầu năm ước đạt 2.890,62 triệu USD, giảm 27,51% so cùng kỳ. Trong đó: kinh tế nhà nước đạt 64,06 triệu USD, giảm 32,66%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 707,11 triệu USD, giảm 22,8%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.119,45 triệu USD, giảm 28,8% so cùng kỳ. Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu 02 tháng năm 2023 giảm mạnh so cùng kỳ chủ yếu do đơn hàng sản xuất giảm nên xuất khẩu giảm.

So với cùng kỳ hầu hết các ngành hàng xuất khẩu đều giảm như: Sản phẩm gỗ (-45,49%); Hàng dệt may (-17,16%); Giày, dép (-20,95%); Máy vi tính (-38,93%); Xơ, sợi (-44,38%); Phương tiện vận tải và phụ tùng (-27,88%) …

Thị trường xuất khẩu tháng 02/2023 tập trung chủ yếu ở các nước: Hoa Kỳ đạt 795,1 triệu USD, chiếm 27,51%; Nhật Bản đạt 324,15 triệu USD, chiếm 11,21%; Trung Quốc đạt 236,63 triệu USD, chiếm 8,19%; Hàn Quốc 169,57 triệu USD, chiếm 5,87%; …

Kim ngạch nhập khẩu tháng 02 năm 2023 ước đạt 1.101,78 triệu USD, tăng 11,26% so tháng trước. Tính chung 02 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.092 triệu USD, giảm 26,57%. Trong đó: Kinh tế nhà nước đạt 27,53 triệu USD, giảm 33,98%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 302,33 triệu USD, giảm 51,16%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.762,19 triệu USD, giảm 19,48% so cùng kỳ. Về thị trường nhập khẩu hàng hóa tháng 02/2023, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất ước đạt 644,37 triệu USD, chiếm 30,8%; Hàn Quốc ước đạt 277,38 triệu USD, chiếm 13,26%; Nhật Bản ước đạt 150,5 triệu USD, chiếm 7,19%; Hoa Kỳ đạt 119,78 triệu USD, chiếm 5,73%…

Nhập khẩu hàng hóa tiếp tục gặp khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu bị sụt giảm đơn hàng, dẫn tới nhập khẩu nguyên liệu sản xuất giảm. Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu đều giảm so cùng kỳ như: Chất dẻo (Plastic) nguyên liệu giảm 31,56%; Gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 52,86%; Xơ, sợi dệt các loại giảm 33,96%; vải các loại giảm 16,03%; Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày giảm 40,02%; Sắt thép các loại giảm 32,24%…

3.4. Giao thông vận tải

Dự ước doanh thu hoạt động ngành vận tải tháng 02/2023 ước đạt 2.499,45 tỷ đồng, giảm 8,26% so với tháng trước; tăng 47,11% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 02 tháng doanh thu ước đạt 5.223,98 tỷ đồng, tăng 45,67% so cùng kỳ. Cụ thể:

a)Vận tải hành khách

Dự ước doanh thu vận tải hành khách tháng 02/2023 đạt 345,1 tỷ đồng, giảm 18,41% so với tháng trước; tăng 195,8% so với tháng cùng kỳ, tương đương khối lượng vận chuyển đạt 6.208 nghìn hành khách, giảm 18,57% so với tháng trước, tăng 113,22% so với tháng cùng kỳ; luân chuyển đạt 393.274 nghìn hành khách.km giảm 18,79% so với tháng trước, tăng 165,9% so với tháng cùng kỳ. Nguyên nhân doanh thu và sản lượng vận tải hành khách giảm so tháng trước do tháng sau Tết nên nhu cầu đi lại của người dân giảm.

b)Vận tải hàng hóa

02 tháng đầu năm 2023 sản xuất kinh doanh nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn chưa có nhiều đơn hàng mới, chỉ hoạt động cầm chừng. Do vậy, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong tháng chưa cao. Dự ước doanh thu vận tải hàng hoá tháng 02 ước đạt 1.390,9 tỷ đồng, giảm 6,35% so tháng trước và tăng 45,13% so với tháng cùng kỳ; Khối lượng vận chuyển đạt 6.281 nghìn tấn giảm 6,51% so với tháng trước và tăng 34,42% so với cùng kỳ; luân chuyển đạt 533.199 nghìn tấn.km, giảm 6,47% so với tháng trước và tăng 33,36% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 2 tháng ước đạt khối lượng vận chuyển đạt 13.000 nghìn tấn, tăng 32,2%; khối lượng luân chuyển đạt 1.103,28 nghìn tấn.km, tăng 31,3% so với cùng kỳ.

c) Kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính chuyển phát

Dự ước doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 02/2023 đạt 763,5 tỷ đồng giảm 6,48% so với tháng trước và tăng 22,34% so với tháng cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ bưu chính, chuyển phát ước đạt 18,8 tỷ đồng, giảm 5,87% so với tháng trước và tăng 13,39% so với tháng cùng kỳ năm trước.

  1. Tình hình thực hiện vốn đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước

Sau thời gian nghỉ tết Nguyên Đán, hầu hết các chủ dự án khẩn trương triển khai khởi công các công trình mới và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình chuyển tiếp, đảm bảo tiến độ và chất lượng thi công, do vậy tình hình thực hiện vốn NSNN tháng 2 và 2 tháng đầu năm có sự chuyển biến tích cực.

Dự ước thực hiện vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách Nhà Nước tháng 02 năm 2023 thực hiện 555,2 tỷ đồng, tăng 3,28% so với tháng 01 năm 2023. Dự ước 2 tháng thực hiện 1.092,7 tỷ đồng, tăng 29,11% so cùng kỳ và bằng 8,43% so kế hoạch năm 2023. Nguyên nhân tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023 tăng khá cao so cùng kỳ là do tập trung nguồn lực thực hiện thi công các dự án, công trình chuyển tiếp phục vụ cho nhu cầu xã hội, đặc biệt là khởi công công trình xây dựng Cầu Thống Nhất (tp Biên Hòa), dự án đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa với vốn đầu tư hơn 1,5 ngàn tỷ đồng, là một trong những hạng mục xây dựng quan trọng nhất. Cầu Thống Nhất sẽ đóng vài trò kết nối phường Thống Nhất với phường Hiệp Hòa, đây là dự án trọng điểm của tỉnh Đồng Nai, mở ra không gian phát triển vùng cù lao Hiệp Hoà (cù lao Phố), khu vực cửa ngõ phía Đông TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.

      5. Thu hút đầu tư và đăng ký doanh nghiệp

Tính từ đầu năm đến ngày 20/02/2023, thu hút đầu tư từ khu vực nước ngoài (FDI) đạt khoảng 281,56 triệu USD. Trong đó: Cấp mới 08 dự án với tổng vốn đăng ký 43,9 triệu USD; Có 14 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 237,66 triệu USD.

Tính từ đầu năm 2023 đến ngày 20/02/2023, tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư và điều chỉnh tăng vốn khoảng 405,03 tỷ đồng, bằng 157% so với cùng kỳ. Trong đó: cấp mới 05 dự án với tổng vốn đăng ký là 390,03 tỷ đồng; có 02 dự án tăng vốn với số vốn bổ sung là 15 tỷ đồng.

Từ ngày 01/02/2023 đến ngày 15/02/2023, có 21 doanh nghiệp giải thể, tăng 131% so với cùng kỳ và có 29 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động, tăng 181% so với cùng kỳ; 43 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 172% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa và thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Lý do giải thể và chấm dứt hoạt động và tạm ngừng kinh doanh chủ yếu là do kinh doanh không hiệu quả.

  1. Một số thông tin văn hóa xã hội
  2. Văn hóa thông tin

Tháng 02 năm 2022, ngành VHTTDL tập trung tuyên truyền cổ động trực quan các nhiệm vụ chính trị như: Kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973 – 27/01/2023); Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đ/c Huỳnh Tấn Phát (15/02/1913 – 15/02/2023); Buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu tỉnh Đồng Nai nhân dịp đầu Xuân Quý Mão năm 2023; Liên hoan Đờn ca tài tử và Bóng rỗi tỉnh Đồng Nai mở rộng “Mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão năm 2023”; Lễ tuyển quân năm 2023…

Biểu diễn chương trình lưu động nội dung: Mừng Đảng – Mừng Xuân năm 2023 và lồng ghép tuyên truyền Luật nghĩa vụ Quân sự 2023 tại huyện Long Thành; Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, số lượng 14 buổi, phục vụ 4.900 lượt người xem.

  1. Thể dục thể thao

* Công tác tổ chức giải và các hoạt động thể dục thể thao quần chúng

– Tổ chức Giải vô địch các Câu lạc bộ Đua thuyền truyền thống tỉnh Đồng Nai mở rộng Mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão năm 2023 trên sông Đồng Nai. Có hơn 100 VĐV thuộc 08 CLB thuyền trong tỉnh (Biên Hòa, Định Quán, Vĩnh Cửu) và ngoài tỉnh (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương) tham gia thi đấu 2 cự ly: 500m và 1.000m.

– Tổ chức biểu diễn các môn võ và các môn thể thao truyền thống như: Kéo co, nhảy bao bố, nhảy dây tập thể tại Lễ Hội chùa Ông năm 2023.

* Hoạt động thể thao tham gia giải:

– Giải quốc tế: Có 01 vận động viên tham dự Giải vô địch Điền kinh trong nhà châu Á 2023 từ ngày 10-12/02 tại Kazashstan.

– Giải quốc gia: Đội Bóng đá U17 Đồng Nai tham gia thi đấu Giải Bóng đá Vô địch U17 quốc gia từ ngày 09/02 – 04/3 tại Gia Lai.

– Giải Cụm, khu vực, mở rộng: Tham gia: Giải vô địch Cờ vua nhanh, chớp các nhóm tuổi Đồng bằng sông Cửu Long mở rộng năm 2023, từ ngày 25/01 – 28/01 tại Đồng Tháp, thành tích đạt 02 HCV, 09 HCB, 03 HCĐ; Giải Hội thi Leo núi Tà Cú Hàm Thuận Nam – Bình Thuận mở rộng lần thứ XXV năm 2023 tại Bình Thuận, thành tích đạt 02 HCV, 02 HCĐ.

  1. Y tế

* Tình hình dịch bệnh: Trong tháng 02/2023, số ca mắc tay chân miệng là 62 ca, giảm 47,9% so với tháng trước và gấp 6,2 lần so với tháng cùng kỳ. Không ghi nhận ca tử vong, bằng so với cùng kỳ. Một số dịch bệnh khác như: Sởi, sốt rét, ho gà, uốn ván trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc.

Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm: Trong tháng 02/2023 thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và kinh doanh tiêu dùng thực phẩm 815 cơ sở, trong đó: 759 cơ sở đạt (chiếm 93.12%), số cơ sở vi phạm là 56 (chiếm 6.87%), phạt tiền 03 cơ sở, số tiền phạt 29 triệu đồng, nhắc nhở 53 đơn vị. Trong tháng không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

  1. Giáo dục

Một số hoạt động giáo dục trọng tâm trong tháng 02 như: Tổ chức họp giao ban khối THPT. Tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục địa phương đối với khối lớp 4, 8, 11. Tiếp tục theo dõi hướng dẫn hoàn thiện dự án tham gia cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học. Kiểm tra công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Kiểm tra công tác giáo dục nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở các phường xã theo yêu cầu. Tổng hợp, báo cáo tình hình chất lượng học sinh, số học sinh bỏ học cuối HK I. Chuẩn bị các điều kiện tổ chức Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh khối Tiểu học.

Tổ chức thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh năm học 2022-2023; Tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023 tại Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh. Thẩm định hồ sơ đăng ký đánh giá ngoài các bậc học; Tổ chức đánh giá ngoài các đơn vị bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPT; Thẩm tra, cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo một cửa liên thông. Nắm tình hình trẻ ra lớp đầu năm 2023…

  1. Giải quyết việc làmvà đào tạo nghề

Trong tháng 02/2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp dịch vụ việc làm giải quyết việc làm cho 6.032 lượt người; Lũy kế từ đầu năm là 11.334/80.000 lượt người, đạt 6,63% kế hoạch năm, tăng 0,68% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 02, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới đào tạo cho 5.108/72.000 người, trong đó: sơ cấp và đào tạo thường xuyên là 5.108 người, nâng tổng số tuyển mới từ đầu năm đến thời điểm báo cáo lên 8.773 người, đạt 12,18% kế hoạch năm 2023. Toàn tỉnh có 4.569/65.500 người tốt nghiệp các khóa đào tạo, trong đó: Sơ cấp và đào tạo thường xuyên là 4.269 người, nâng tổng số tốt nghiệp từ đầu năm đến thời điểm báo cáo lên 7.782 người, đạt 11,88% kế hoạch năm 2023, trong đó: 7.782 người tốt nghiệp trình độ Sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng.

Nguồn: thongke.dongnai.gov