Tình hình Kinh tế – Xã hội tỉnh Đồng Nai tháng 01 năm 2023

Bước vào tháng đầu năm dương lịch, cũng là tháng trùng vào Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, các hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra nhộn nhịp, sôi động hơn, đặc biệt là lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch. Các hoạt động văn hoá thông tin, thể thao, công tác an sinh xã hội, đời sống nhân dân được chính quyền, các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, đặc biệt công tác chăm lo Tết cho các đối tượng gia đình chính sách v.v… được đẩy mạnh thực hiện trong dịp Tết.

Với khí thế thi đua sôi nổi bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, là tháng đầu năm cũng là tháng trùng vào Tết Nguyên đán Quý Mão đạt được kết quả quan trọng. Kết quả thực hiện kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tháng 01 năm 2023 của các ngành, lĩnh vực như sau:

  1. Sản xuất công nghiệp

Tháng 01 năm 2023 là tháng trùng vào Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2023 ước tính giảm 15,72% so với tháng trước và giảm 14,18% so với cùng kỳ năm trước; hầu hết các sản xuất đều giảm so tháng trước và so cùng kỳ, sở dĩ giảm là do các doanh nghiệp nghỉ Tết Nguyên đán 7-10 ngày, mặt khác do ảnh hưởng của thị trường thế giới từ quý III/2022 đến nay chưa phục hồi nên đơn hàng sản xuất ít, một số doanh nghiệp cho công nhân nghỉ Tết sớm và nghỉ với thời gian dài.

Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2023 giảm 15,72% so tháng trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 23,92%; Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 15,91%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 13,46%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước giảm 3,56%. Nhìn chung các ngành sản xuất đều giảm so với tháng trước.

Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2023 giảm 14,18% so cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng giảm 12,58%; Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 14,36%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 14,02%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước giảm 0,13%, trong tháng này 27 ngành sản xuất đều giảm so cùng kỳ, nguyên nhân vì tháng 01/2022 chưa trùng vào tháng tết, nên mọi hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn hoạt động bình thường, trong khi tháng 01/2023 trùng vào Tết Nguyên đán nên hầu hết doanh nghiệp nghỉ Tết 7-10 ngày; mặt khác năm 2021 do ảnh hưởng dịch Covid-19, sau khi dịch được kiểm soạt, các hoạt động sản xuất trở lại bình thường, do đó thời điểm đó hầu hết các doanh nghiệp đẩy mạnh tiến độ sản xuất, nên sản lượng sản xuất tháng 01/2022 tăng cao, trong khi tháng 01/2023 do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới nên thị trường xuất khẩu thu hẹp, đơn hàng giảm nên sản xuất giảm.

Từ chỉ số sản xuất trên có thể thấy, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn gặp khó khăn đáng kể trong việc thiếu hụt đơn hàng, chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường xã hội chậm, nhất là các ngành sản xuất chủ lực như, dệt, may mặc, sản xuất da và giầy da, hóa chất, sản phẩm điện tử, giường, tủ, bàn ghế v.v…

­2. Sản xuất Nông – Lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp trong tháng đầu năm 2023 tập trung vào việc gieo cấy, chăm sóc lúa vụ Đông Xuân và gieo trồng cây hoa màu. Tình hình chăn nuôi trên địa bàn trong tháng tương đối ổn định, các trang trại và hộ chăn nuôi qui mô chuẩn bị sản lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường Tết Nguyên Đán. Các cơ sở nuôi trồng thủy sản đang tích cực chuẩn bị thu hoạch thủy sản nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng trong dịp Tết. Sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn phát triển ổn định, bước vào mùa khô nên các chủ rừng kết hợp với việc thăm rừng, chăm sóc rừng và phòng chống cháy rừng.

– Tiến độ gieo cấy vụ Đông xuân năm 2023:

Tính đến thời điểm 15/01/2023, diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt 26.602 ha, giảm 0,32% (-86 ha) so cùng kỳ. Diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân trên địa bàn so với cùng kỳ giảm do một số diện tích thu hoạch vụ Mùa chậm nên người dân chưa chuẩn bị kịp các khâu làm đất, mà chủ yếu tranh thủ xuống giống trên những diện tích đã thu hoạch vụ mùa sớm. Mặt khác trong tháng đầu vụ thời tiết đang trong mùa khô, nhiều chân ruộng không đủ nước để thực hiện gieo trồng, vì thế diện tích gieo trồng trong vụ chủ yếu là gieo trồng trên những diện tích chủ động được nguồn nước.

Trong đó: Diện tích cây lương thực đạt 16.286,76 ha, giảm -1,14% (-22.24 ha), bao gồm: diện tích lúa đạt 9.652,24 ha, giảm 0,55% (-53,76ha); diện tích bắp đạt 6.634,52 ha, giảm 0,48% (- 31,52 ha); Diện tích cây củ có bột đạt 2.597,54 ha, giảm 2,69% (-71,9 ha); Diện tích cây thực phẩm đạt 4.995,39 ha, tăng 1,18% (+58,39 ha) so cùng kỳ, bao gồm: diện tích rau các loại đạt 3.996,57 ha, tăng 1,1% (+43,57 ha); diện tích đậu các loại đạt 998,82 ha, tăng 1,51% (+14,82 ha). Cây công nghiệp hàng năm đạt 1.001,83 ha, giảm 6,02% (-64,17 ha) và cây hàng năm khác đạt 1.720,64 ha, tăng 0,8% (+13,64 ha) so với cùng kỳ.

Chăn nuôi

Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại: chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Tổng đàn gia súc có đến thời điểm tháng 01/2023 là 2.159.701 con, tăng 3,88% so cùng kỳ. Trong đó trâu đạt 3.916 con, tăng 0,08%; Bò đạt 87.915 con, tăng 0,1%; Heo đạt 2.067.870 con (Không tính heo con chưa tách mẹ), tăng 4,05% so cùng kỳ. Tổng đàn gia cầm hiện có là 26.004 ngàn con, tăng 5,24%, trong đó gà đạt 23.599 ngàn con, tăng 5,34% so cùng kỳ. Nguyên nhân tăng là do tình hình chăn nuôi trên địa bàn ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, giá tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ổn định, đây là điều kiện để ngành chăn nuôi duy trì và phát triển sản xuất.

Dự ước sản lượng thịt trâu trong tháng đạt 22,16 tấn, tăng 3,31%, Thịt bò đạt 413,07 tấn, tăng 4,87%, Thịt heo đạt 38.202,73 tấn, tăng 4,32%, Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 16.355,15 tấn, tăng 6,29%, trong đó thịt gà đạt 14.206,52 tấn, tăng 6,73% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng là do giá thịt hơi ổn định đồng thời vào dịp Tết, nên nhu cầu tiêu thụ nguồn thực phẩm khá lớn, tác động đến việc tăng sản lượng xuất chuồng.

Tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch: Tiếp tục triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, chủ động phòng chống dịch bệnh, không để phát sinh các dịch bệnh khác, ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi và nguồn cung thực phẩm. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật ra vào tỉnh được kiểm soát chặt chẽ góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên Đán.

b) Lâm nghiệp

Tháng 01 năm 2023 tình hình sản xuất lâm nghiệp chủ yếu là triển khai thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và ươm cây giống lâm nghiệp. Các đơn vị lâm nghiệp và các hộ gia đình đã gieo ươm cây giống lâm nghiệp để chuẩn bị cho công tác trồng rừng khi mùa mưa tới.

Trong tháng 01/2023 sản lượng khai thác gỗ ước đạt 21.615,13 m3 tăng 2,12%; Sản lượng củi khai thác ước đạt 204,24 ste, tăng 4,2% so cùng kỳ.

c) Thủy sản

Ước tính tổng sản lượng thủy sản tháng 01/2023 đạt 6.119,88 tấn, tăng 3,01% so cùng kỳ. Trong đó: sản lượng cá ước đạt 5.008,35 tấn, tăng 2,83%; sản lượng tôm ước đạt 827,05 tấn, tăng 3,7%; sản lượng thuỷ sản khác ước đạt 284,48 tấn, tăng 4,16% so cùng kỳ. Nguyên nhân tổng sản lượng thủy sản tăng là do nhu cầu thị trường tiêu thụ xã hội ngày một tăng, sản phẩm thủy sản được người tiêu dùng sử dụng nhiều, do đó nhiều hộ nuôi thủy sản chủ động mở rộng diện tích ao hồ, bể bồn và lồng bè, ngoài ra nhiều hộ nuôi chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc nuôi trồng, chăm sóc con giống, vật nuôi, nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh. Sản lượng thủy sản khai thác đạt 521,11 tấn, tăng 2,8%; Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 5.598,77 tấn, tăng 3,03% so cùng kỳ. Sở dĩ sản lượng thủy sản tăng là do nhiều hộ dân tận dụng diện tích nước lợ, chuyển sang nuôi theo hướng công nghệ cao, với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đồng thời giá bán thủy sản ổn định, được giá, nên tác động đến sản lượng thủy sản tăng khá so cùng kỳ.

  1. Thương mại du lịch, giá cả, xuất nhập khẩu và vận tải

Tháng Một trùng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 nên theo quy luật các hoạt động thương mại, dịch vụ vận tải và du lịch đều tăng cao so với các tháng bình thường. Các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh chủ động dự trữ, cung ứng nguồn hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Để chăm lo và hỗ trợ cho người dân đón Tết Nguyên đán được đầy đủ, vui vẻ, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 31/10/2022 về việc thực hiện chương trình bình ổn giá, bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu. Chuẩn bị nguồn hàng dự trữ và số lượng hàng hóa với giá bán lẻ có tính ổn định để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.

3.1 Thương mại dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 01/2023 ước đạt 23.447,4 tỷ đồng, tăng 6,33% so tháng trước và tăng 24,57% so tháng cùng kỳ.

  1. a) Bán lẻ hàng hóa

Dự ước bán lẻ hàng hóa tháng 01 năm 2023 đạt 18.190,25 tỷ đồng, tăng 6,51% so với tháng trước và tăng 22,37% so tháng cùng kỳ. Hầu hết các nhóm hàng bán lẻ đều tăng so cùng kỳ. Lương thực, thực phẩm tăng 15,53%; Hàng may mặc tăng 82,41%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 25,89%; xăng dầu các loại tăng 21,81%… Nguyên nhân tăng cao do tháng 01 năm nay trùng dịp tết Nguyên Đán, nhu cầu mua sắm người dân tăng cao, trong khi đó tháng 01/2022 chưa vào tháng tết, đây cũng là nguyên nhân làm cho Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng cao. Bên cạnh đó các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào và có nhiều hình thức khuyến mãi, giảm giá nhằm thu hút sức mua của người dân trong dịp cuối năm. Do vậy, doanh thu ở hầu hết các nhóm ngành hàng đều có mức tăng cao so cùng kỳ.

– Lưu trú, ăn uống: Dự ước doanh thu ngành lưu trú, ăn uống trong tháng 01/2023 đạt 1.986,57 tỷ đồng, tăng 2,48% so với tháng trước và tăng 29,27% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú giảm 0,73% so với tháng trước. Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 01/2023 dự tính đạt 1.965,044 tỷ đồng, tăng 2,52% so với tháng trước; tăng 28,89% so với cùng kỳ.

– Hoạt động dịch vụ: Doanh thu các ngành dịch vụ tháng 01/2023 ước đạt 2.786,543 tỷ đồng tăng 6,53% so với tháng trước và tăng 32,93% so với cùng kỳ. Trong đó: kinh doanh bất động sản tăng 35,15%, nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 37,65%, dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 23,9%, dịch vụ khác tăng 25,78%…

Tình hình triển khai kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 31/10/2022 về việc thực hiện chương trình bình ổn giá, bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết:

Sở Công Thương Đồng Nai đã tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch dự trữ hàng hoá phục vụ Tết và kế hoạch bình ổn giá, bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu, theo đó các mặt hàng trong diện bình ổn giá sẽ được tỉnh quan tâm và hỗ trợ giá cho người dân trong việc mua sắm phục vụ nhu cầu cuối năm. Sở Công Thương đã triển khai đến các địa phương, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại siêu thị, các đơn vị trong tỉnh chuẩn bị nguồn hàng hoá và tham gia bình ổn giá trên địa bàn tỉnh không để xảy ra trường hợp găm hàng, khan hiếm hàng hóa và tăng giá hàng hóa cục bộ.

Tính đến ngày 15/12/2022, UBND thành phố Long Khánh, UBND huyện Tân Phú, Định Quán, Trảng Bom đã thẩm định cho 03 Hợp tác xã và 03 Hộ kinh doanh tham gia và vay vốn tổng số tiền là 3,75 tỷ đồng với 03 điểm bán hàng bình ổn giá; số kinh phí hỗ trợ chuyến hàng lưu động phục vụ vùng sâu, vùng xa là 167,5 triệu đồng cho 66 chuyến hàng.

Các đơn vị đã cam kết và tham gia bình ổn giá, bình ổn thị trường gồm: Công ty TNHH TMDV Siêu thị Coopmart Biên Hòa, Chi nhánh Công ty TNHH MM MeGa Market Việt Nam tại Biên Hòa, Công ty TNHH TMDV Quốc tế BigC Đồng Nai – TTTM BigC Đồng Nai, TTTM BigC Tân Hiệp, Chi nhánh Đồng Nai – Công ty Cổ phần siêu thị Vinmart Biên Hòa, Vinmart Long Thành, Siêu thị Lotte Mart Biên Hòa, Siêu thị Hoàng Đức – Chi nhánh Công ty Cổ phần Hoàng Đức, Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP – Chi nhánh 2 tại Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu, Công ty Cổ phần Bibica, Công ty Cổ phần Sài Gòn Lương thực, Công ty TNHH Chế biến thực pham Đồng Nai (D&F), Công ty TNHH Thực phẩm sạch Bát Giới, Công ty Cổ phần Con Cưng, Công ty TNHH TMDV Phần mềm Sắc Màu, Công ty TNHH Feddy.

Trung tâm Xúc tiến Thương mại thuộc Sở công Thương tổ chức 03 phiên chợ hàng Việt về nông thôn; 02 phiên chợ công nhân và 15 chuyến hàng Việt về nhà máy và khu công nghiệp; 31 chuyến hàng Việt về nhà máy và Khu công nghiệp; 7 phiên chợ hàng Việt về nông thôn; 2 phiên chợ công nhân; 2 đợt tuần hàng Việt tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu mua sắm trong dịp cuối năm.

3.2. Giá cả thị trường

Tháng 01/2023 trùng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nên nhu cầu mua sắm hàng hoá của người dân tăng cao, đây cũng là yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng này tăng cao hơn các tháng bình thường trong năm. Đến thời điểm giáp Tết hàng hoá ở các cửa hàng, siêu thị cung cấp nguồn hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Các công ty, siêu thị cũng cam kết bán hàng bình ổn giá để ổn định thị trường. Giá heo hơi trong tháng 01 có xu hướng tăng do vào thời điểm Tết nhu cầu tiêu dùng tăng cao… giá nhiều mặt hàng tương đối ổn định

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2023 tăng 0,75% so tháng trước. So với cùng tháng năm trước tăng 4,53%. Chỉ số giá tiêu dùng một số nhóm hàng tháng 01/2023 so với tháng trước của như sau:

Có 8/11 nhóm hàng tăng so tháng trước, trong đó: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,4% (Lương thực tăng 1,15%, thực phẩm tăng 1,71%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,83%). Các mặt hàng lương thực tăng so với tháng trước như: gạo tăng 1,26% (gạo tẻ thường tăng 1,42%; gạo nếp tăng 1,26%; nguyên nhân là do tháng 01 là tháng có ngày Tết Nguyên đán nên nhu cầu sử dụng gạo làm bánh và hỗ trợ người nghèo tăng làm cho giá các mặt hàng này tăng so với tháng trước. Giá gạo tẻ thường dao động từ 12.827đồng/kg – 15.250 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon từ 16.722- 18.166 đồng/kg; giá gạo nếp từ 21.733-26.218 đồng/kg; Giá các mặt hàng thịt heo tăng 2,07%; thịt bò tăng 1,66% gần vào những ngày cận tết nhu cầu tiêu dùng và sử dụng các mặt hàng thịt heo tăng cao đây cũng là một trong nhưng mặt hàng có sức mua tăng mạnh trong tháng; Giá các mặt hàng thịt gia cầm trong tháng tăng 2,17%; giá các mặt hàng thuỷ sản tăng 2,1%; thuỷ sản chế biến tăng 1,9%; Giá rau tươi, khô và chế biến tăng 0,97% so với tháng trước; thời điểm cận tết giá các mặt hàng rau xanh, củ, quả là những mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh, năm nay do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng các mặt hàng này cung cấp cho thị trường giảm. Giá cà chua tăng 7,58%; măng tươi tăng 3,3%; rau muống tăng 2,16%; rau gia vị tăng 2,15%…. Ngược lại một số mặt hàng giá giảm như bắp cải giảm 4,58%; khoai tây giảm 0,98% nguyên nhân là do các mặt hàng này nguồn cung trên thị trường dồi dào nên giá giảm so với tháng trước… Các mặt hàng bánh kẹo, cà phê giá tăng bình quân 2,72% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng cuối năm và làm quà biếu tặng tăng cao.

+ Nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,83% so với tháng trước, tăng 3,96% so với cùng kỳ. Là tháng có Tết Nguyên đán nhưng năm nay tình hình giá cả các mặt hàng đồ uống, thuốc lá tương đối ổn định, mức tăng năm nay do giá nguyên liệu tăng nên giá bán các mặt hàng này cũng tăng hơn so với các năm trước như rượu mạnh tăng 1,34%; bia các loại tăng 0,7%; nước giải khát có ga tăng 3,6%, thuốc lá tăng 0,86%.

+ Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,79%. Giá các mặt hàng nhiên liệu tăng 2,48% do ảnh hưởng của giá xăng, dầu thế giới làm cho các mặt hàng này trong nước tăng, cụ thể giá xăng tăng 2,39%; dầu diezen giảm 2,16% so với tháng trước. Giá xăng A95(III) bình quân tháng 01/2023 là 22.116 đồng/lít; xăng E5 bình quân tháng 01 là 21.318 đồng/lít; dầu DO bình quân 21.814 đồng/lít. Giá các dịch vụ giao thông công cộng tăng 2,4% so với tháng trước trong đó vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 4,59%; vận tải hành khách bằng xe buýt tăng 2,08%; dịch vụ giao nhận hành lý và gửi hành lý tăng 1,61%…

+ Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tháng 01 tăng 1,92% so với tháng trước. Đây là nhóm có chỉ số giá tăng cao nhất, do tháng 01 là tháng có các ngày Tết Nguyên đán, nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao làm cho giá các tour đi du lịch tăng mạnh, bên cạnh đó giá thuê phòng cũng tăng hơn so với tháng trước do chi phí thuê nhân công tăng. Trong đó: giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng 7,51%; khách sạn, nhà khách tăng 4,11%…

Các nhóm còn lại chỉ số giá ổn định có mức tăng từ 0,03 – 0,89%. Riêng Nhà ở điện nước giảm 0,42%. Nguyên nhân giảm do giá gas và các loại chất đốt khác giảm 5%; Điện và dịch vụ điện giảm 0,75%….; Thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,02%; Bưu chính viễn thông giảm 0,23%…

Chỉ số giá vàng trong tháng 01/2023 tăng 0,66% so với tháng trước và giảm 1,14% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 01/2023 giảm 3,05% so tháng trước và tăng 3,37% so với cùng tháng năm trước.

3.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Bước sang năm 2023, thị trường xuất khẩu còn khó khăn, hợp đồng xuất khẩu còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa ký được nhiều đơn hàng mới; bên cạnh đó tháng 01 do trùng vào dịp Tết Nguyên đán có thời gian nghỉ dài từ 7 -10 ngày, các doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất cho công nhân nghỉ tết nên hầu hết các ngành hàng xuất khẩu đều giảm so tháng trước và giảm so cùng kỳ.

Ước kim ngạch xuất khẩu tháng 01 năm 2023 đạt 1.688,89 triệu USD, giảm 11,7% so với tháng trước và giảm 24,88% so cùng kỳ, trong đó: kinh tế nhà nước đạt 37,28 triệu USD, giảm 31,37%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 392 triệu USD, giảm 24,51%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, giảm 27,78% so cùng kỳ.

Hầu hết các ngành hàng xuất khẩu đều giảm so cùng kỳ như: Sản phẩm gỗ (-31,57%); Hàng dệt may (-21,84%); Giày, dép (-17,63%); Máy vi tính (-33,21%); Xơ, sợi (-44,5%); Phương tiện vận tải và phụ tùng (-11,54%) …

Thị trường xuất khẩu tháng 01/2022 tập trung chủ yếu ở các nước: Hoa Kỳ đạt 495,1 triệu USD, chiếm 29,32%; Nhật Bản đạt 182,3 triệu USD, chiếm 10,8%; Trung Quốc đạt 150,08 triệu USD, chiếm 8,89%; Hàn Quốc 110,05 triệu USD, chiếm 6,52%…

Kim ngạch nhập khẩu tháng 01 năm 2023 ước đạt 1.260,98 triệu USD, giảm 12,1% so tháng trước và giảm 13,67% so cùng kỳ. Trong đó: Kinh tế nhà nước đạt 16,68 triệu USD, giảm 22,62%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 188,49 triệu USD, giảm 40,21%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.055,81 triệu USD, giảm 6,06% so cùng kỳ. Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu đều giảm so tháng cùng kỳ năm trước như: Chất dẻo (Plastic) nguyên liệu giảm 39,4%; Gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 10,23%; Xơ, sợi dệt các loại giảm 40,78%; Vải các loại giảm giảm 27,01%; Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày giảm 36,17%; Sắt thép các loại giảm 28,62%…

Thị trường nhập khẩu trong tháng 01/2023 chủ yếu ở các nước: Trung Quốc ước đạt 295,4 triệu USD, chiếm 23,43%; Hàn Quốc ước đạt 101,5 triệu USD, chiếm 8,05%; Nhật Bản ước đạt 84,5 triệu USD, chiếm 6,7%; Hoa Kỳ đạt 73,6 triệu USD, chiếm 5,8%…

3.4. Giao thông vận tải

Tháng 01/2023 là tháng trùng dịp Tết Nguyên đán nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách tăng cao so với tháng trước. Dự ước doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải đạt 2.494,59 tỷ đồng, tăng 14,35% so tháng trước, tăng 32,19% so cùng kỳ. Cụ thể từng lĩnh vực như sau:

Dự ước doanh thu vận tải hành khách tháng 01 đạt 412,86 tỷ đồng, tăng 38,28% so với tháng trước và tăng 346,71% so với tháng cùng kỳ; Khối lượng vận chuyển đạt 7.684 nghìn hành khách tăng 12,49% so với tháng trước và tăng 224,98% so với tháng cùng kỳ; Luân chuyển đạt 458.779 nghìn hành khách.km tăng 16,24% so với tháng trước và tăng 296,69% so với tháng cùng kỳ.

Trên địa bàn hiện có 244 phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định đối lưu với 30 tỉnh, thành, tổng số chuyến 11.083 chuyến/tháng, hàng ngày có 369 chuyến xe hoạt động; có 16 tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt. Tổng số phương tiện khai thác là 279 xe/13.219 chỗ. Hàng ngày có 962 chuyến xe hoạt động từ 03 giờ 40 phút đến 20 giờ 50 phút. Trong đó, các DNVT của Đồng Nai có 243 xe/11.273 chỗ, hàng ngày có 850 chuyến xe hoạt động và 11 đơn vị khai thác vận tải hành khách bằng xe taxi với 1.286 xe 5-7 chỗ hoạt động phân bố đều khắp địa bàn các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.

  1. b)Vận tải hàng hóa

Để đảm bào nguồn hàng cho thị trường tết ngay từ tháng đầu của quý IV/2022 các doanh nhiệp đã tập trung vận chuyển nguyên liệu để sản xuất hàng hoá. Đến thời điểm tháng 01/2023 hàng hóa đã được vận chuyển đến hẩu hết các điểm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; ngoài ra nhiều doanh nghiệp trong tỉnh vẫn tiếp tục vận chuyển nguyên liệu sản xuất và hàng hoá đi tiêu thụ các công trình xây dựng trọng điểm của tỉnh vẫn tiếp tục hoàn thiện nên nhu cầu vật liệu tăng cao. Với những nguyên nhân trên làm cho doanh thu vận tải hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 1.297,9 tỷ đồng, tăng 9,32% so tháng trước và tăng 24,24% so với tháng cùng kỳ; Khối lượng vận chuyển đạt 5.975 nghìn tấn tăng 6,83% so với tháng trước và tăng 15,79% so với tháng cùng kỳ; Luân chuyển đạt 516.776 nghìn tấn.km, tăng 6,95% so với tháng trước và tăng 17,32% so với tháng cùng kỳ.

  1. c) Kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính chuyển phát

Tháng 01/2023 doanh thu của ngành kho bãi, dịch vụ hỗ trợ và bưu chính, chuyển phát đều tăng cao so với tháng trước (ngành kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 12,68%; ngành bưu chính, chuyển phát tăng 12,23%). Nguyên nhân doanh thu tháng 01/2023 tăng cao là do nhu cầu đi lại, về quê ăn tết tăng mạnh làm cho giá vé máy bay; tàu hỏa tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu mua hàng hoá online tăng mạnh làm cho doanh thu ngành chuyển phát tăng cao; doanh thu của ngành thu phí đường bộ, dịch vụ kinh doanh vé máy bay, vé tàu tăng cao… Dự tính doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 01 đạt 783,81 tỷ đồng tăng 12,68% so với tháng trước và tăng 4,51% so với tháng cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ bưu chính, chuyển phát tháng 01 ước đạt 21,77 tỷ đồng, tăng 12,23% so với tháng trước và tăng 9,48% so với tháng cùng kỳ năm trước.

  1. Tình hình thực hiện vốn đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước

Dự ước vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 01/2023 đạt 589 tỷ đồng, giảm 44,57% so với tháng 12 năm 2022; tăng 25,07% so cùng kỳ và bằng 4,55% so kế hoạch năm 2023, nguyên nhân giảm mạnh so tháng 12 là do tháng 01/2023 là tháng trùng vào tết Nguyên Đán Quý Mão 2023 nên chủ yếu tập trung thực hiện thi công các dự án, công trình chuyển tiếp về hạ tầng giao thông, y tế v.v…; các dự án, công trình mới hầu như đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, nên tình hình thực hiện trong tháng này giảm mạnh so với tháng trước.

  1. Hoạt động Ngân hàng

– Hoạt động huy động vốn: Tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước đến 31/01/2023 đạt 289.971 tỷ đồng, tăng 0,78% so với đầu năm. Trong đó: Tiền gửi bằng đồng Việt Nam ước đạt 267.149 tỷ đồng, tăng 0,61%; Tiền gửi bằng ngoại tệ ước đạt 19.922 tỷ đồng, tăng 2,35% so với đầu năm.

Lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của Ngân hàng Thương mại trong nước ở mức 0,2 – 0,6%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5,1 – 5,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,8 – 6,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,7 – 7,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,2 – 6,9%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Lãi suất huy động tiền gửi USD tiếp tục duy trì ở mức 0%.

– Hoạt động tín dụng: Tính đến 31/01/2023 tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn ước đạt 337.440 tỷ đồng, tăng 1,29% so với đầu năm (trong đó nợ xấu ước chiếm 0,98% trên tổng dư nợ cho vay). Trong đó: Dư nợ bằng đồng Việt Nam ước đạt 290.306 tỷ đồng, tăng 0,8%; dư nợ bằng ngoại tệ ước đạt 44.933 đồng, tăng 4,77% so với đầu năm.

6. Một số tình hình xã hội

a) Văn hóa thông tin

Tháng 01 năm 2023, ngành VHTTDL triển khai các đơn vị tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị như: kỷ niệm các ngày lễ, công tác tuyển quân năm 2023, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Thực hiện triển lãm với các chủ đề về du lịch sinh thái, dấu ấn lịch sử, chuyên đề bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật, chủ đề “Mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão 2023”.

Tổ chức biểu diễn các chương trình văn nghệ phục vụ nhân dân và công nhân ăn Tết xa quê. Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã thực hiện và phát sóng trực tuyến phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của nhân dân qua các chương trình nghệ thuật: Chương trình múa rối “Hương sắc mùa xuân” phục vụ các em học sinh, sinh viên trên địa bản tỉnh; Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2023” tại Khu Công nghiệp Amata, Tp. Biên Hòa; Chương trình nghệ thuật Mừng Đảng – Mừng Xuân Quý Mão 2023, chủ đề “Tết sum vầy – Xuân gắn kết”… Tổng số các buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa, văn nghệ của nhân dân là 19 buổi, với khoảng 26.500 lượt người xem.

b) Thể dục thể thao

Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Đồng Nai tập trung Xây dựng kế hoạch, điều lệ tổ chức các hoạt động Mừng Đảng – mừng Xuân Quý Mão năm 2023; Phát hành Thể lệ, Kế hoạch tổ chức Hội diễn Lân – Sư – Rồng.

Hỗ trợ trọng tài điều hành thi đấu giao hữu Bóng chuyền Mừng Đảng – Mừng Xuân Quý Mão 2023 theo Kế hoạch của Công an tỉnh.

c) Y tế

– Dịch bệnh COVID-19: Tình hình dịch bệnh có dấu hiệu giảm, từ ngày 26/12/2022 – 15/01/2023 ghi nhận 28 trường hợp mắc bệnh trên địa bàn tỉnh, trong đó 07 ca nặng, nguy kịch, không phát sinh ca bệnh tử vong do COVID-19.

Lũy kế đến hiện tại trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 424.808 ca mắc COVID-19, trong đó hiện đang theo dõi 08 trường hợp, đã điều trị khỏi 422.817 trường hợp, ghi nhận 1.983 ca bệnh tử vong.

– Sốt xuất huyết: Tính từ đầu năm đến ngày 15/01/2023, toàn tỉnh ghi nhận 198 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 14% so với tháng cùng kỳ, trong đó số trường hợp mắc SXHD ≤ 15 tuổi là 110 ca, chiếm tỷ lệ 56%. Không ghi nhận trường hợp tử vong.

– Sởi: Số ca mắc sởi trong tháng 01/2023 là 01 ca, tăng 01 ca so với tháng trước và tăng 01 ca so với tháng cùng kỳ năm 2022. Không ghi nhận ca tử vong

– Tay chân miệng: Ghi nhận 114 ca mắc, giảm 63,3% so với tháng trước và tăng 7 lần so với tháng cùng kỳ. Không ghi nhận trường hợp tử vong.

Một số dịch bệnh khác như: Sốt rét, ho gà, uốn ván, tả, thương hàn, cúm,… trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc.

d) Giáo dục

Trong tháng 01/2023 ngành giáo dục chủ yếu là: Kiểm tra, công nhận trường tiểu học và trường THCS đạt chuẩn Quốc gia tại một số huyện. Kiểm tra công tác giáo dục nhằm thực hiện nhiệm vụ nông thôn mới ở các xã theo yêu cầu. Chỉ đạo các địa phương tổng hợp báo cáo tình hình chất lượng học sinh, số học sinh bỏ học cuối học kỳ I của năm học 2022-2023.

Tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2022-2023 với tổng số 196 dự án của 51 đơn vị. Kết quả đã trao 5 giải nhất, 10 giải nhì, 20 giải ba và 62 giải tư. Trong đó có 2 dự án được chọn dự thi cấp quốc gia là dự án của trường THPT Ngô Quyền thành phố Biên Hòa và dự án của trường THCS Võ Trường Toản huyện Vĩnh Cửu.

Cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh các bậc học của tỉnh Đồng Nai bắt đầu được nghỉ Tết từ ngày 16/01/2023 (tức ngày 25 tháng Chạp) cho đến hết ngày 29/01/2023 (tức mùng 8 tháng Giêng), tức là toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai có 14 ngày nghỉ Tết Nguyên đán liên tiếp. So với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2022, học sinh có thêm 2 ngày nghỉ.

e) Giải quyết việc làm

Trong tháng 01/2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp dịch vụ việc làm giải quyết việc làm cho 5.302/80.000 lượt người (đạt 6,63% kế hoạch năm).

Tiếp nhận 2.981 hồ sơ đề nghị hưởng BHTN, ban hành 1.859 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền là 80.266 triệu đồng. Tư vấn và giới thiệu việc làm cho số lao động thất nghiệp 3.154 lượt người, hỗ trợ học nghề cho 62 người.

f) Đào tạo nghề

Trong tháng 01/2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới đào tạo cho 3.665/72.000 người. Toàn tỉnh có 3.013/65.500 người tốt nghiệp các khóa đào tạo, trong đó: sơ cấp và đào tạo thường xuyên là 3.013 người.

Nguồn: thongke.dongnai.gov