Khảo sát kinh nghiệm quản lý sở hữu trí tuệ tại Canada

Trong quá trình làm việc với các cơ quan của Canada, đoàn công tác đã đặt nhiều câu hỏi về các nội dung liên quan và đều được phía Canada giải đáp kỹ lưỡng. Đây sẽ là những kinh nghiệm hữu ích cho Cục Sở hữu trí tuệ và cơ quan liên quan của Việt Nam trong việc nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn quản lý về sở hữu trí tuệ.

Trong khuôn khổ Phi dự án “Hỗ trợ thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ năm 2023” được phê duyệt tại Quyết định số 2143/QĐ-SHTT ngày 22/9/2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, từ ngày 27/11 đến 01/12/2023, Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Canada. Đoàn công tác bao gồm cán bộ thuộc các đơn vị chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ, Lãnh đạo Cục Quản lý, Giám sát Chính sách thuế, phí và lệ phí thuộc Bộ Tài chính và cán bộ Cục Sở hữu trí tuệ do Phó Cục trưởng Lê Huy Anh dẫn đầu.

Theo chương trình, đoàn khảo sát đã có buổi đến thăm và làm việc với Cơ quan Sở hữu trí tuệ Canada (CIPO). Tổng Giám đốc điều hành CIPO, ông Konstantinos Georgaras cùng lãnh đạo các đơn vị có liên quan của CIPO đã tiếp và chia sẻ nhiều kinh nghiệm với đoàn về hoạt động chung của CIPO, các sáng kiến giúp Canada trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo toàn cầu, chiến lược sở hữu trí tuệ của Canada, chiến lược hoạt động giai đoạn 2023-2028, các dịch vụ đào tạo, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, công tác lập kế hoạch, cơ chế tài chính, quản trị của CIPO. Tổng Giám đốc điều hành Georgaras bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao chuyến công tác của đoàn. Ông nhấn mạnh kết quả của cuộc họp song phương với Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam bên lề kỳ họp Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) vào tháng 7/2023, đồng thời bày tỏ hy vọng hai Cơ quan sẽ sớm tiến tới ký kết thoả thuận hợp tác song phương trong thời gian tới.

Phó Cục trưởng Lê Huy Anh chụp ảnh lưu niệm với ông Konstantinos Georgaras, Tổng Giám đốc điều hành CIPO

Về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, đoàn công tác đã được các chuyên gia của CIPO và luật sư nhãn hiệu của một số công ty luật lớn của Canada trao đổi về quy trình và thủ tục đăng ký nhãn hiệu phi truyền thống nói chung và nhãn hiệu âm thanh nói riêng, đặc biệt là nghĩa vụ chứng minh việc sử dụng nhãn hiệu trước thời điểm nộp đơn.

Bên cạnh đó, đoàn cũng có buổi làm việc với Bộ Đổi mới, Khoa học và Phát triển kinh tế Canada (ISED) – cơ quan chủ quản của CIPO để tìm hiểu về các sáng kiến thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chiến lược sở hữu trí tuệ của Canada. Đoàn đã được giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của ISED trong việc xây dựng hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ, triển khai các sáng kiến và hoạt động thuộc chiến lược sở hữu trí tuệ, cung cấp tư vấn pháp lý, đào tạo, lập bản đồ sáng chế và tư liệu sáng chế chung (patent pool) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ lãnh đạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp của cộng đồng bản địa cũng như thiết lập cơ sở dữ liệu về chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ và mô hình hợp tác giữa Chính phủ với viện/trường.

Đoàn công tác làm việc với Bộ Đổi mới, Khoa học và Phát triển kinh tế Canada

Một nội dung quan trọng khác của chuyến công tác là hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã được đoàn tập trung tìm hiểu khi làm việc với Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA). Thực thi hơn 100 đạo luật và các quy định pháp luật có liên quan, với 14.000 nhân viên, CBSA quản lý và thực hiện chức năng kiểm soát biên giới về sở hữu trí tuệ đối với hoạt động xuất/nhập khẩu tại 1.200 điểm trên toàn lãnh thổ Canada và tại 39 khu vực quốc tế trên cơ sở đăng ký của chủ thể quyền và quyền chủ động của cơ quan hải quan.

Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn đã có buổi thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Canada để thông tin về chuyến công tác và tìm hiểu về kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của nước bạn. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Canada Phạm Vinh Quang đã trang trọng tiếp đoàn và bày tỏ sự vui mừng trước những kết quả hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam và Canada, thể hiện qua chuyến khảo sát do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức. Đại sứ cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Canada sẵn sàng hỗ trợ và kết nối với các đối tác Canada để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác về sở hữu trí tuệ giữa hai nước.

Trong quá trình làm việc với các cơ quan của Canada, đoàn công tác đã đặt nhiều câu hỏi về các nội dung liên quan và đều được phía Canada giải đáp kỹ lưỡng. Đây sẽ là những kinh nghiệm hữu ích cho Cục Sở hữu trí tuệ và cơ quan liên quan của Việt Nam trong việc nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn quản lý về sở hữu trí tuệ. Phó Cục trưởng Lê Huy Anh đã thay mặt đoàn công tác gửi lời cảm ơn tới nhà tài trợ của Phi dự án – Bộ Các vấn đề toàn cầu, cơ quan quản lý và triển khai Phi dự án – Tổ chức Cowater, các cơ quan liên quan và chuyên gia Canada đã hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Sau một tuần làm việc, đoàn công tác đã kết thúc tốt đẹp các nội dung khảo sát về sở hữu trí tuệ tại Canada, góp phần đạt được mục tiêu đề ra trong khuôn khổ Phi dự án “Hỗ trợ thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ năm 2023”.

Theo: ipvietnam.gov.vn