IAEA hợp tác với FAO phát triển cơ sở dữ liệu về Chất lượng protein

IAEA đang phối hợp với các đối tác liên quan xây dựng khung cơ sở dữ liệu đầu tiên về chất lượng protein trong thực phẩm.

Cơ sở dữ liệu về Protein sẽ được xây dựng dựa trên các phương pháp được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) khuyến nghị, bao gồm kỹ thuật đánh dấu đồng vị kép (DSIT).

Các chuyên gia dinh dưỡng từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới phối hợp với các quốc gia, các viện nghiên cứu đã xây dựng khung cơ sở dữ liệu đầu tiên về chất lượng protein nhằm giúp chính phủ các nước đánh giá mức độ đầy đủ protein của thực phẩm cung cấp cho người dân và các yêu cầu tối ưu protein trong chế độ ăn uống.

Tại cuộc họp do IAEA và FAO đồng tổ chức vào tháng 10/2022, các chuyên gia đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) trong đó đề cập chi tiết về chất lượng protein từ nhiều loại thực phẩm được tiêu thụ trên toàn thế giới. Bà Lynnette Neufeld, Trưởng Ban Thực phẩm và Dinh dưỡng của FAO, cho biết: “CSDL sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc đánh giá chất lượng protein và mức độ đủ protein ở các nhóm dân cư khác nhau.”

Chất lượng protein của thực phẩm phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm thành phần axit amin thiết yếu và mức sinh học khả dụng tương ứng của chúng, hay nói cách khác là khả năng tiêu hóa protein và tỷ lệ axit amin thiết yếu được cơ thể hấp thụ. Từ 20 axit amin liên kết khác nhau để tạo nên tất cả các protein, 09 loại trong đó được phân loại là thiết yếu vì cơ thể không thể sản xuất được, được hấp thu thông qua các nguồn protein trong thực phẩm để hỗ trợ nhu cầu sinh lý và phát triển của con người.

CSDL sẽ chứa đựng thông tin về lượng axit amin thiết yếu – histidine, isoleucine, leucine, lysine, methionine, phenylalanine, threonine, tryptophan và valine có trong 100g thực phẩm, chỉ số hấp thụ riêng của chúng và phương pháp sử dụng đo chỉ số. CSDL sẽ dựa trên các phương pháp do FAO khuyến nghị, bao gồm kỹ thuật đánh dấu đồng vị kép (DSIT). Đây là kỹ thuật hạt nhân được phát triển thông qua Dự án nghiên cứu phối hợp do IAEA hỗ trợ từ năm 2015. Nhằm nhấn mạnh giá trị của kỹ thuật DSIT, bà May Abdel-Wahab, Trưởng Ban Sức khỏe Con người của IAEA, cho biết: “Việc thu thập dữ liệu về chất lượng protein bằng các phương pháp mới, chính xác có thể cung cấp thông tin quan trọng và hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng các chương trình dinh dưỡng quốc gia.” DSIT sử dụng kết hợp hai chất đánh dấu đồng vị để so sánh nồng độ axit amin trong mẫu máu hoặc hơi thở sau khi ăn với nồng độ của một loại protein tiêu chuẩn đã biết khả năng tiêu hóa. Điều này bảo đảm tính toán chính xác tính khả dụng sinh học của từng axit amin thiết yếu.

Tới đây, IAEA và FAO sẽ đồng tổ chức Hội nghị chuyên đề quốc tế về Protein và sức khỏe con người tại Hà Lan vào tháng 9/2023 để triển khai các cuộc thảo luận với nhiều đối tác hơn về phát triển CSDL chất lượng protein. Ngoài Chương trình này, IAEA hiện hỗ trợ 02 dự án về điều tra chất lượng protein: Dự án khu vực ở châu Á với 16 quốc gia tham gia, nhằm tạo thêm dữ liệu về chất lượng protein ở khu vực này; Dự án nghiên cứu phối hợp với 07 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình của Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh, đánh giá sự ảnh hưởng của các yếu tố môi trường đến sự hấp thụ protein, góp phần gây viêm ruột mãn tính hoặc rối loạn chức năng ruột.

Kỹ thuật DSIT

Kỹ thuật đánh dấu đồng vị ổn định kép (DSIT) đo quá trình tiêu hóa protein theo cách xâm lấn tối thiểu thông qua phân tích máu và hơi thở. Trong giai đoạn đầu tiên của kỹ thuật này, các axit amin trong thực phẩm thử nghiệm được đánh dấu bằng cách sử dụng đồng vị ổn định deuteri. Deuteri vô hại được thêm vào nước uống của động vật để nghiên cứu các nguồn protein động vật và nước tưới cho thực vật như rau, củ. Sau đó, thực phẩm được gắn deuteri này sẽ được những người tình nguyện sử dụng cùng với nguồn protein tham chiếu được gắn carbon-13, đồng vị carbon ổn định. Giai đoạn thứ hai sẽ tiến hành phân tích nồng độ axit amin từ các mẫu máu và hơi thở được thu thập lúc trước và sau khi ăn. Khả năng tiêu hóa được xác định bởi tỷ lệ axit amin trong máu so với axit amin trong bữa ăn. Việc thu hồi carbon-13 từ các mẫu hơi thở sẽ cung cấp chỉ số thứ hai về quá trình tiêu hóa protein.

Deuteri, hay còn gọi là hydro nặng, là đồng vị bền của hydro có mặt phổ biến trong các đại dương trên Trái Đất (tỉ lệ ~15625 (ppm)). Deuteri chiếm khoảng 0,0156 % (tương đương về khối lượng: 0,0312%) trên tổng số hydro tự nhiên trong các đại dương của Trái Đất. Hạt nhân của deuteri chứa 1 proton và 1 neutron, trong khi các hạt nhân của hydro thông thường không có neutron.

 

BT