Chương trình điện hạt nhân của UAE góp phần bảo đảm một tương lai giảm trừ cacbon

 Khi cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu trở nên tồi tệ hơn, nhu cầu về các nhà máy điện hạt nhân mới ngày càng tăng. Các quốc gia có thể học hỏi kinh nghiệm từ chương trình điện hạt nhân của UAE để góp phần bảo đảm một tương lai giảm trừ cacbon.

Nhà máy điện hạt nhân Barakah gồm bốn tổ máy.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là một nơi rất nóng vào mùa hè với nhiệt độ thường xuyên trong khoảng 400C và đôi khi vượt quá mốc 500C. Quốc gia có gần 10 triệu dân này được xếp vào nhóm có tỷ lệ dễ bị tổn thương cao nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu với thời tiết ấm hơn, ít mưa hơn, hạn hán, mực nước biển dâng cao hơn và dự kiến ​​sẽ có nhiều bão hơn. Giữ cho đất nước là nơi “an cư” của người dân trong thời gian lâu dài đồng nghĩa với việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Một cách mà UAE đang sử dụng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là giảm lượng khí thải carbon trong hệ thống năng lượng thông qua việc triển khai chiến lược năng lượng hạt nhân với sự trợ giúp của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Năm 2007, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, UAE đã quyết định phát triển chương trình năng lượng hạt nhân dân sự. Bắt đầu khởi công vào năm 2012, sau 08 năm, lò phản ứng điện hạt nhân đầu tiên trong chuỗi bốn lò theo thiết kế của Hàn Quốc đã được kết nối với lưới điện quốc gia. Nhà máy điện hạt nhân mới của UAE nằm ở Barakah, cách thủ đô Abu Dhabi gần 300 km về phía tây, là nhà máy đầu tiên được xây ở các nước Ả Rập.

  1. Francois Foulon, Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật Hạt nhân và Giám đốc Trung tâm Công nghệ Hạt nhân Emirates tại Đại học Khalifa cho biết: “Nhiều quốc gia đang theo đuổi các chương trình điện hạt nhân mới, nhưng UAE là đặc biệt vì đã khởi động thành công chương trình và đưa năng lượng hạt nhân vào thương mại hóa trong thời gian ngắn với tất cả các tiêu chuẩn và quy định an toàn mà chúng ta mong đợi hiện nay”.
  2. Foulon hợp tác chặt chẽ với IAEA trong triển khai các hoạt động hỗ trợ chuyên gia từ các quốc gia khác đến thăm và học hỏi kinh nghiệm của UAE. Theo đó, Đại học Khalifa đã được chỉ định là Trung tâm hợp tác của IAEA về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cho phát triển năng lượng hạt nhân kể từ năm 2017.

Theo GS. Foulon: “UAE bắt đầu chương trình điện hạt nhân với cơ sở hạ tầng và khả năng hạn chế: số lượng kỹ sư hạt nhân rất ít, không có kinh nghiệm về hạt nhân, luật hạt nhân cũng như các hình mẫu có thể so sánh được cho một dự án lớn như vậy… UAE đã phải xây dựng gần như tất cả những thứ này từ đầu. IAEA đã hỗ trợ trong suốt cuộc hành trình này, vì vậy giờ đây UAE đang đền đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình để giúp những quốc gia khác hiện thực hóa khát vọng điện hạt nhân của họ”.

Các động lực chính để UAE theo đuổi điện hạt nhân là độ tin cậy, tính khả dụng 24 giờ và năng lượng tải đáy carbon thấp. Năng lượng hạt nhân carbon thấp là rất quan trọng đối với UAE để triển khai chiến lược “net zero” đến năm 2050 với mục tiêu đạt 14 gigawatt công suất năng lượng sạch vào năm 2030.

Nhà máy điện hạt nhân Barakah hiện có hai tổ máy đang vận hành thương mại, tổ máy thứ ba đang trong quá trình khởi động và tổ máy thứ tư sắp vận hành. Khi cả bốn tổ máy cùng hoạt động, chúng có thể cung cấp tới một phần tư điện năng của UAE. Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Emirates (ENEC) dự kiến ​​nhà máy sẽ sản xuất tới 5600 megawatt điện – đủ để cung cấp điện cho 574.000 hộ gia đình trong cả năm, đồng thời ngăn chặn việc thải ra 22,4 triệu tấn khí thải carbon mỗi năm, bằng lượng carbon mà 350 triệu cây xanh sẽ hấp thụ trong 10 năm. Con số này cũng tương đương với 1/4 cam kết giảm phát thải của UAE đệ trình lên Hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc, COP26, vào năm 2021.

Các quốc gia khác cũng quan tâm đến việc khai thác điện hạt nhân để giảm thiểu biến đổi khí hậu, hiện nay có khoảng 30 nước đang xem xét bắt tay vào phát triển năng lượng hạt nhân. Với sự hỗ trợ của IAEA, Trung tâm Hợp tác của Đại học Khalifa đang chia sẻ bí quyết của mình với các quốc gia đó.

“Kinh nghiệm phát triển nhà máy điện hạt nhân của UAE đã trở thành ngọn đèn soi đường cho tất cả các quốc gia mới – các bài học rất rõ ràng và tuyệt vời,” ông Kufre Friday Akpan, Giám đốc khoa học tại Ủy ban năng lượng nguyên tử Nigeria cho biết. Năm 2019, ông tham gia Trường Phát triển Cơ sở hạ tầng Điện hạt nhân của IAEA về thực hiện các yêu cầu quốc gia đối với các chương trình hạt nhân được tổ chức tại UAE. Đây là cơ hội để ông đến thăm UAE và gặp gỡ, học hỏi trực tiếp từ các chuyên gia từ Cơ quan quản lý hạt nhân liên bang của UAE (FANR) và ENEC.

Bà Liliya Dulinets, Trưởng bộ phận Phát triển Cơ sở hạ tầng Hạt nhân của IAEA cho biết: “Trung tâm Hợp tác của Đại học Khalifa mang đến cho các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới cơ hội học hỏi kinh nghiệm cũng như phương hướng phát triển năng lượng hạt nhân của UAE”. Trong những năm qua, Trung tâm Hợp tác đã tổ chức nhiều sự kiện đào tạo, trong đó có khóa học về giáo dục hạt nhân và phát triển nguồn nhân lực cho các quốc gia như Malaysia, Ả-rập Xê-út và Việt Nam.

Theo bà Dulinets, việc UAE tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc tế về Điện hạt nhân trong thế kỷ 21 vào năm 2017 là bàn đạp cho thấy rõ hơn về thành công hạt nhân của đất nước. Vào năm 2023, quốc gia này sẽ chủ trì tổ chức COP28 tại Dubai.

BT