Bức xạ liều cao mở ra cơ hội điều trị mới cho bệnh nhân lớn tuổi có khối u thận không thể phẫu thuật

Một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu Australia và Hà Lan cho thấy những người lớn tuổi được chẩn đoán có khối u thận không phù hợp để phẫu thuật có thể được điều trị bằng liệu pháp sử dụng bức xạ liều cao nhắm trúng đích.

Một nghiên cứu giai đoạn II với tên gọi FASTRACK II do nhóm chuyên gia xạ trị ung thư TransTasman (TROG – TransTasman Radiation Oncology Group) đến từ nhiều tổ chức khác nhau phối hợp triển khai cho thấy khả năng kiểm soát tại chỗ và tỷ lệ sống trên ba năm có thể đạt mức 100% ở những bệnh nhân ung thư thận không thể phẫu thuật được điều trị không xâm lấn bằng kỹ thuật xạ trị lập thể định vị thân (SABR – stereotactic ablative body radiotherapy). Kết quả nghiên cứu này đã được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Xạ trị Ung thư Hoa Kỳ (ASTRO) vào tháng 10/2023.

Các nghiên cứu riêng lẻ trước đó đã cho thấy triển vọng về phương pháp điều trị bằng xạ trị lập thể định vị thân cho những bệnh nhân có khối u thận không thể phẫu thuật, tuy nhiên FASTRACK II là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra hiệu quả của SABR trong một thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn ở nhiều cơ sở y tế khác nhau.

Tác giả chính của nghiên cứu – TS. Shankar Siva, bác sĩ xạ trị ung thư tại Trung tâm Ung thư Peter MacCallum, giáo sư tại Đại học Melbourne, Australia – cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi đã chứng minh rằng một phương pháp điều trị mới được thực hiện trong môi trường ngoại trú có thể đạt được hiệu quả chưa từng có đối với những bệnh nhân ung thư thận không thể phẫu thuật. …Nhu cầu chữa khỏi loại ung thư này vẫn chưa được đáp ứng và những phát hiện của chúng tôi chỉ ra tiềm năng của liệu pháp xạ trị để giải quyết nhu cầu đó”.

Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh ung thư thận ở người lớn tuổi đang gia tăng trên toàn cầu, với sự tăng lên lớn nhất ở những người trên 70 tuổi, đối tượng mà cũng có tỷ lệ sống sót thấp hơn. Trên toàn thế giới, ung thư thận là bệnh ung thư được chẩn đoán nhiều thứ sáu ở nam giới và đứng thứ mười ở phụ nữ. Phẫu thuật đã trở thành cách điều trị tiêu chuẩn để cắt bỏ khối u và các vùng xung quanh hoặc cắt bỏ toàn bộ thận và các mô xung quanh.

Tuy nhiên, nhiều người lớn tuổi mắc ung thư biểu mô tế bào thận gặp phải những thách thức đặc biệt khiến việc phẫu thuật trở nên khó khăn, TS. Siva cho biết.“Nhiều người có thể còn có các bệnh khác như huyết áp cao hoặc tiểu đường, những vấn đề khiến họ có nguy cơ cao bị biến chứng do phẫu thuật. Hoặc có thể họ có khối u ở những vùng khó phẫu thuật hay việc phẫu thuật có thể dẫn đến phải lọc máu.”

SABR (còn được gọi là SBRT –  stereotactic body radiation therapy), có thể thu nhỏ hoặc tiêu diệt các khối u bằng cách dùng bức xạ liều cao nhắm trực tiếp vào chúng trong các đợt điều trị ngoại trú.

Trong nghiên cứu này, các chuyên gia đã điều trị cho 70 bệnh nhân có tuổi trung bình là 77 tuổi (khoảng 47-91) được chẩn đoán có khối u thận có nguy cơ cao không thể phẫu thuật hoặc đã từ chối phẫu thuật ung thư tế bào thận.

Những người tham gia thử nghiệm được điều trị bằng SABR trong một hoặc ba đợt tại bảy cơ sở ở Australia và một cơ sở ở Hà Lan. TS. Siva cho biết các khối u được điều trị tương đối lớn, có kích thước trung bình là 4,7 cm. Không có bệnh nhân nào bị ung thư thận tiến triển cục bộ trong thời gian thử nghiệm (thời gian theo dõi trung bình là 43 tháng) cũng như không có bệnh nhân nào chết vì ung thư. Tỷ lệ sống sót chung là 99% sau SBRT một năm và 82% sau ba năm. Có một bệnh nhân đã bị ung thư tái phát xa (tế bào ung thư xuất hiện ở một vị trí mới, không liên quan đến vị trí của tế bào ung thư nguyên phát trước đó).

Tác dụng phụ tương đối khiêm tốn, không quan sát thấy độc tính cấp 4 hoặc 5. Có 07 bệnh nhân (10%) gặp phải các tác dụng phụ cấp độ 3, phổ biến nhất là đau bụng (03 bệnh nhân); 51 bệnh nhân (73%) gặp biến cố liên quan đến điều trị độ 1-2 và 11 bệnh nhân (16%) không gặp biến cố bất lợi. Nhìn chung, theo nghiên cứu, chức năng thận giảm nhẹ và ổn định sau hai năm, chỉ có một bệnh nhân cần lọc máu sau điều trị.

  1. Siva cho rằng tỷ lệ đạt hiệu quả cao và khả năng bảo tồn chức năng thận là nhờ vào việc kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt cũng như hiệu quả của bức xạ lập thể. Ông cũng cho biết những phát hiện của thử nghiệm giai đoạn II này là cơ sở cho việc thiết kế một thử nghiệm ngẫu nhiên giai đoạn III để so sánh bức xạ định vị và phẫu thuật là phương thức điều trị chính cho bệnh nhân ung thư thận có thể phẫu thuật được. Theo ông, khi được lựa chọn giữa hai phương pháp, sẽ có nhiều bệnh nhân chọn phương pháp xạ trị không xâm lấn.

BT từ nhiều nguồn thông tin