Chế tạo thành công máy cảnh báo phóng xạ treo tường

Khi phông phóng xạ môi trường vượt ngưỡng, máy sẽ cảnh báo bằng cách phát ra âm thanh và nhấp nháy đèn báo động. Máy có kích thước 25 x 15 x 5cm rất nhỏ, gọn, to hơn viên gạch xây dựng và chỉ nặng 1.700 gam. Máy được sản xuất bởi Phòng Kỹ thuật Điện tử Hạt nhân – Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân.

Có thể dùng cho cả công nghiệp và dân dụng

Th.s Đặng Quang Thiệu – Trưởng phòng Phòng điện tử hạt nhân – Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân cho biết, người sử dụng chỉ cần nhìn vào các thông số báo trên máy có thể biết được phông phóng xạ môi trường là bao nhiêu. Đặc biệt, máy đo và cảnh báo phóng xạ này được sử dụng cho cả hai loại hình dân dụng và công nghiệp.

Tại những vùng nghi có độ phóng xạ cao, có thể sử dụng máy để theo dõi và cảnh báo nếu phông phóng xạ của môi trường vượt quá ngưỡng cho phép. Khi đó người sử dụng có thể biết và tránh xa khỏi vùng nguy hiểm do độ phóng xạ cao.

Trong công nghiệp, loại máy đo phóng xạ này được đặt trong các phòng nghiên cứu hoặc khu vực, phòng làm việc cần được kiểm soát mức độ phóng xạ.

Khi phông phóng xạ môi trường vượt ngưỡng, máy sẽ cảnh báo bằng cách phát ra âm thanh cảnh báo và nhấp nháy đèn báo động. Ths. Thiệu  cũng cho biết, người sử dụng máy có thể tự thiết lập ngưỡng phóng xạ cần thiết theo nhu cầu của mình để máy tự động đo và cảnh báo.

Ngoài ra, có thể nối mạng (mạng có dây hoặc mạng không dây) giữa máy đo phóng xạ với máy tính ở Trung tâm để người quản lý có thể quan sát và theo dõi cùng lúc nhiều khu vực có nguồn phóng xạ.

Thiết bị được dùng với nguồn điện xoay chiều 220V hoặc điện một chiều 15V (qua adaptor) và bao gồm các phụ kiện đầu dò, đèn LED, cổng giao tiếp để kết nối máy tính.

Giá của máy đo và cảnh báo phóng xạ này là 5 triệu đồng, trong khi đó  với các loại máy tính năng tương tự do nước ngoài sản xuất và có bán ở Việt Nam giá khoảng 700-1.000USD.

Đưa ra thị trường- phải thuyết phục người Việt dùng hàng nội

Mặc dù đã mày mò nghiên cứu nhiều năm nay và đã chế tạo được sản phẩm, tuy nhiên Ths. Thiệu tiết lộ: “chúng  tôi chủ yếu phục vụ cho công tác nghiên cứu của Viện”. Có điều này là vì người Việt chỉ muốn dùng đồ ngoại, chưa thích dùng độ nội – Ths Thiệu đã chia sẻ như vậy.

Tuy nhiên, hiện nay khi ông và nhóm nghiên cứu có ý định đưa sản phẩm ra thị trường, ngoài việc thông tin về sản phẩm, làm máy mẫu… điều khó khăn lớn nhất là thuyết phục khách hàng sử dụng đồ nội. Được biết, hiện Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân đã đặt hàng sản xuất để trang bị cho toàn bộ các nơi, khu vực sử dụng chất phóng xạ của Viện.

Tuy nhiên, ông Thiệu cũng đưa ra kiến nghị: “nếu đã đầu tư sản xuất, nghiên cứu thì phải đầu tư cho đến cùng ra thiết bị, ra sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Từ trước đến nay mình chỉ đầu tư một lần, kiểu nhỏ giọt nên đôi khi tốn tiền nhưng hiệu quả không cao”.

Nguồn:varans.vn